Theo nghi thức cưới truyền thống Việt Nam, thủ tục hôn nhân thường trải qua ba lễ gồm: lễ dạm hỏi, lễ ăn hỏi và lễ đón dâu. Trong đó, lễ dạm ngõ được xem là khởi đầu cho “chuyến hành trình” hôn nhân của đôi trẻ. Nhưng liệu dâu rể chuẩn bị cưới đã hiểu rõ được những gì cần làm trong lễ hay chưa, có sự khác nhau giữa các vùng miền hay không? Hãy theo dõi bài viết này để hiểu rõ hơn về phong tục tập quán cũng như nghi lễ cần biết trong ngày này để chuẩn bị thật kỹ lưỡng.
Mục lục bài viết
ToggleLễ dạm ngõ là gì?
Lễ dạm ngõ hay còn gọi là lễ xem mặt, xem mắt tùy vùng sẽ có cách gọi khác nhau. Là buổi gặp gỡ thân mật giữa hai gia đình, nhà trai đến nhà gái để xin phép cho đôi bạn trẻ chính thức tìm hiểu trước khi tiến tới mối quan hệ hôn nhân lâu dài.
Trong lễ này hai bên gia đình sẽ gặp mặt, trò chuyện để hiểu nhau hơn. Mặc dù hiện nay nam nữ được tự do tìm hiểu nhưng muốn tiến tới hôn nhân cũng nhất định phải có buổi lễ để gặp mặt gia đình bố mẹ hai bên.
Thành phần tham dự lễ dạm ngõ
Lễ dạm ngõ chủ yếu tổ chức trọng phạm vi gia đình. Chính bởi vậy thành phần tham dự chỉ là những người thân thiết trong gia đình, bởi vậy hai bên gia đình không nên quá cầu kỳ, thủ tục. Lên danh sách những người tham dự lễ dạm ngõ chỉ nên chủ yếu những người thân thiết với mình và gia đình, nhất là những người lớn tuổi, ảnh hưởng lớn trong gia đình, dòng họ.
Thông thường thành phần tham dự lễ dạm ngõ của hai gia đình bao gồm: ông bà, bố mẹ, cô dâu, chú rể, anh chị em thân thiết, cô dì chú bác (nếu có).
Trước khi qua nhà gái, nhà trai phải báo số lượng thành phần tham dự để phía bên nhà gái có thể chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo để đón tiếp.
Chọn ngày giờ tiến hành lễ dạm ngõ
Theo phong tục tập quán của người Việt và theo kinh nghiệm của Luxury Wedding, phải xem ngày trước khi làm việc gì đó, nhất là những việc trọng đại: xây nhà, dựng vợ gả chồng, khai trương,… Và lễ dạm ngõ cũng không ngoại lệ. Chính bởi lễ dạm ngõ là nghi lễ đầu tiên trong phong tục cưới xin của người Việt nên việc chọn ngày đẹp cũng vô cùng quan trọng, nhiều người quan niệm “vạn sự khởi đầu nan” nên khá chú trọng vấn đề này.
Việc chọn ngày cũng nên thống nhất giữa hai gia đình. Chọn một ngày hai bên gia đình đều có thể gặp mặt để tránh những trường hợp xấu không đáng có xảy ra làm mất thiện cảm giữa hai gia đình nhé.
Nhà gái cần chuẩn bị những gì?
Không chỉ nhà trai mà trước khi diễn ra buổi lễ, nhà gái cũng phải chuẩn bị chu đáo để buổi lễ diễn ra tốt đẹp.
Những công việc nhà gái cần chuẩn bị bao gồm:
- Việc đầu tiên là dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng, tươm tất. Lưu ý bàn thờ tổ tiên phải được dọn dẹp sạch sẽ, bày biện mâm ngũ quả theo phong tục tục của từng địa phương trước khi đón tiếp nhà trai đến thăm nhà.
- Chuẩn bị chu đáo mâm tiếp đón gồm: nước uống, hoa quả, bánh kẹo.
- Bàn tiếp đón khách phải sạch sẽ, trang trí đẹp mắt, tốt nhất nên dùng khăn trải bàn để thêm phần trang trọng và để tô điểm thêm thì nên trang trí thêm một số bình hoa tươi.
- Bên cạnh đó nhà gái cũng cần chuẩn bị mâm cơm để đón nhà trai. Mâm cơm không cần quá cầu kỳ, nhiều món, chỉ cần một số món đơn giản nhưng tươm tất, thể hiện tinh thần hiếu khách và nữ công gia chánh của gia chủ. Vì sẽ có trường hợp nhiều nhà trai đi từ xa đến nên việc chuẩn bị bữa ăn là điều cần thiết, vừa ghi điểm với nhà trai, vừa tăng thêm tình thân thiết giữa hai gia đình.
- Ngoài ra, nhà gái cũng lưu ý sắp xếp chỗ để xe rộng rãi, thoải mái để tránh trường hợp gây khó chịu, hiểu lầm ngay từ lần đầu gặp mặt. Phòng trường hợp nhà trai đông người, không có đủ chỗ.
Bên cạnh sự chuẩn bị chu đáo những vấn đề kể trên thì nhà gái cũng nên giữ tinh thần vui vẻ, cởi mở, thoải mái. Điều này rất quan trọng, sẽ gây thiện cảm cho phía nhà trai và con gái mình sau này cũng dễ bề cư xử phía nhà chồng.
Nhà trai cần chuẩn bị gì? Sự khác biệt giữa các vùng miền
Không phức tạp, cầu kỳ như lễ thành hôn, lễ vật cho ngày dạm ngõ cũng khá đơn giản. Nhưng tùy thuộc vào mỗi vùng miền sẽ có phong tục tập quán và yêu cầu khác nhau. Cùng khám phá sự khác nhau giữa các vùng miền như thế nào nhé!
Lễ dạm ngõ miền Bắc
Mâm lễ dạm hỏi Miền Bắc bao gồm: cặp trà, cặp rượu, ít trầu cau và bánh trái. Tất cả lễ vật đều được chuẩn bị với số lượng chẵn. Vì theo quan niệm dân gian của người Bắc, số chẵn thể hiện sự có đôi có cặp, hạnh phúc bền vững vẹn tròn.
Lễ dạm ngõ miền Trung
Miền Trung thì đơn giản hơn, chỉ cần khay trầu cau và chai rượu lễ gói giấy đỏ để thể hiện sự may mắn, chúc phúc tới đôi bạn trẻ. Bên cạnh đó có thể đi kèm một số đặc sản của từng địa phương để mâm lễ thêm chu đáo, tươm tất.
Lễ dạm ngõ miền Nam
Lễ dạm ngõ ở Miền Nam được gọi là lễ đi nói/ đám nói. Mâm lễ ở Miền Nam bao gồm bánh phu thê, cặp trà, cặp rượu, dĩa trầu cau têm cánh phượng và mâm ngũ quả.
Mặc dù mâm lễ dạm hỏi ở mỗi vùng miền khác nhau nhưng đều được tuyển chọn kỹ lưỡng với những đồ ngon nhất, đẹp nhất. Lễ dạm ngõ còn là dịp để nhà trai đưa nét văn hóa vùng miền của mình giới thiệu cho nhà gái để thắt chặt tình thâm giao giữa hai nhà.
Trên đây là những điều nên biết trước lễ dạm ngõ để dâu rể chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng cho buổi lễ đầu tiên trong “hành trình tiến tới hôn nhân” của mình. Mong rằng bài viết này sẽ đem đến những kiến thức bổ ích cho dâu rể. Theo dõi những bài viết tiếp theo để hiểu rõ hơn những nghi lễ trong ngày trọng đại của mình nhé.